Tin tức

Tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ bé

Bạn biết không để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ thì các nhà khoa học đã nghiên cứu việc này nên bắt đầu từ rất sớm, thậm chí lúc còn là em bé ở trong bụng mẹ.

Theo các nhà nghiên cứu chia sẻ một số “chiến lược” hữu ích để phụ huynh có thể tập cho con mình thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ. 

     1. Tập thói quen ăn uống từ trong bụng mẹ

Các chuyên gia đã theo dõi chế độ ăn của các bà mẹ lúc mang thai, sau đó so sánh chế độ ăn giữa các mẹ và các bé vào lúc 2-3 tuổi để xem thời điểm nào thì thói quen ăn uống của mẹ ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất. Kết quả cho thấy, chế độ ăn của người mẹ lúc mang thai thực sự tác động đến khẩu vị của trẻ trong những năm đầu đời. Mối liên hệ này càng được củng cố nếu mẹ duy trì thói quen ăn uống lành mạnh lâu dài.

       2. Làm gương cho trẻ

Cách ăn uống của bậc làm cha mẹ ảnh hưởng đến cách ăn uống của con cái ở giai đoạn trẻ học tiểu học. Điều đó chứng tỏ các ông bố, bà mẹ cần làm gương cho trẻ trong việc xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như giảm tiêu thụ các loại đường, muối, thực phẩm kém dinh dưỡng, đồng thời tăng cường các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vốn có lợi cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, khi cha mẹ ăn ngon miệng, trẻ cũng sẽ ăn ngon miệng, đặc biệt nên chú trọng thực đơn có nhiều loại trái cây, rau củ giàu đạm.

        3. Ăn đúng, ăn đủ

Hãy để trẻ được ăn uống một cách tự nhiên mà không bị ép buộc, hãy dựa trên nhu cầu và sự chọn lựa của trẻ. Và bạn nên lập “thời khóa biểu” cho các bữa chính và bữa phụ. Điều này giúp trẻ không rơi vào tình trạng quá đói và ăn quá nhiều, như vậy mới giúp trẻ có cảm giác đói và muốn ăn vào bữa ăn tiếp theo.

        4. Cùng ngồi ăn với trẻ

Cha mẹ thường xuyên ăn chung với trẻ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là dịp để cha mẹ hoặc ông bà trò chuyện với con cháu về nhiều thứ trong cuộc sống, bao gồm vấn đề dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, bữa ăn gia đình giúp tăng cường sức khỏe và thể trạng của trẻ. Nghiên cứu cho thấy trẻ ăn chung với gia đình hơn 3 lần/tuần có cân nặng khỏe mạnh, có chế độ ăn tốt cũng như tập được thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Ở tuổi vị thành niên, việc ăn chung với cha mẹ hoặc người chăm sóc vào bữa tối sẽ giúp trẻ tiêu thụ nhiều trái cây, rau củ và các sản phẩm từ sữa.

         5. Ưu tiên chọn lựa thực phẩm tốt cho não bộ

Tất cả các loại đồ ăn và thức uống trẻ tiêu thụ sẽ cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thể chất và trí não. Dinh dưỡng tốt được chứng minh có liên quan đến kết quả học tập tốt hơn, đặc biệt là những trẻ thường xuyên ăn sáng, ít tiêu thụ thức ăn vặt và những trẻ có chế độ ăn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc trên 4.000 trẻ em trong độ tuổi từ 8-15 phát hiện, những trẻ thường xuyên tiêu thụ các loại rau củ trong bữa ăn tối đạt điểm số cao môn chính tả và viết. Trong khi đó, những trẻ thường xuyên tiêu thụ nước ngọt đều có điểm thấp về đọc, viết, ngữ pháp và các môn có tính toán.

         6. Tập ăn rau củ và trái cây mới

Hầu hết trẻ em đều không chịu ăn rau củ hoặc trái cây mà chúng chưa từng ăn qua. Đây là phản ứng bình thường của trẻ đối với cái gì đó mới lạ. Tuy nhiên, bạn hãy thử kết hợp rau quả mới với những món mà bé yêu thích, chẳng hạn như chế biến món ăn bao gồm khoai tây chiên (món quen thuộc và ưa thích) với rau trộn chứa một loại trái cây mới. Hoặc bạn có thể xay rau củ với một món trái cây mà bé ưa thích, hoặc nấu sữa kết hợp các loại đậu, hạt mà bé thích...

          7. Làm cho trẻ thích thú với thức ăn 

Thử kể cho bé nghe các câu chuyện ngộ nghĩnh, sinh động về thức ăn, về màu sắc của các loại rau củ bởi khi còn nhỏ trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều từ màu sắc. Đồng thời, cũng thay đổi món, đa dạng hóa thực phẩm nhiều chủng loại, màu sắc để bé tò mò và khám phá. Các dụng cụ ăn uống như chén dĩa, ly tách, muỗng... có hình ảnh ngộ nghĩnh cũng sẽ làm cho bữa ăn của bé thật sự là một cuộc vui.

           8. Không dùng thức ăn vào mục đích thưởng/phạt

Ba mẹ không nên dùng thức ăn vào các mục đích như khen thưởng hay thậm chí là phạt. Bởi dần dần trong suy nghĩ và hành vi của trẻ, việc ăn uống trở nên tiêu cực đồng thời gây nên sự phản kháng lại cha mẹ ngay từ khi còn bé.

           9. Không bắt ép trẻ ăn

Rất nhiều cha mẹ sốt ruột khi con rơi vào tình trạng biếng ăn (có thể do ốm sốt, biếng ăn sinh lý,…) đã bắt ép con ăn cho bằng được. Nhưng điều đó không có lợi cho trẻ. Do đây chỉ là thời điểm biếng ăn sinh lý, bé chỉ mang tâm trí ngại ăn vì mải học các kỹ năng mới như biết ngồi, biết đi, học nói…; nếu cha mẹ ép bé quá đáng, bé sẽ trở nên biếng ăn thực sự. Cha mẹ nên theo dõi các giai đoạn bé thường biếng ăn sinh lý, vào những giai đoạn 7-9 tháng tuổi, 2 -3 tuổi, 5-6 tuổi...

           10. Quan tâm đến sở thích của trẻ

Mỗi giai đoạn phát triển của bé đều đang bắt đầu hình thành “khẩu vị” của riêng mình. Vậy nên chúng ta nên tôn trọng và hỏi bé để bữa ăn của bé luôn là niềm hạnh phúc của bé. Hoặc ba mẹ cũng có thể đưa bé đi siêu thị mua thức ăn cùng mẹ, phụ mẹ khi đi chợ,… để rèn luyện ý thức của trẻ ngay từ khi còn bé. Tuy nhiên cũng đừng quá nuông chiều ý thích của con mà để con thiếu chất nhé.

Sẽ có một số giai đoạn bé chỉ ăn một loại thức ăn như trứng, tôm, chuối,… liên tục nhiều ngày. Khi này ba mẹ cứ để bé ăn những thực phẩm này kết hợp khéo léo với những thực phẩm dinh dưỡng thiết yếu (tinh bột, rau củ quả, protein). Sau một vài ngày bé sẽ ăn uống bình thường trở lại.

             11. Không quà vặt trước bữa ăn

Phụ huynh không nên cho trẻ ăn quà vặt trước bữa ăn tầm 1-2 tiếng vì như vậy bé sẽ no và không muốn ăn bữa chính. 

              12. Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm

Mặc dù sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng ngay từ khi bước vào giai đoạn ăn dặm (6 tháng tuổi), mẹ nhớ tập cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm để bé được hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé. Bởi lúc này là khi vị giác của trẻ chưa phát triển, trẻ dễ dàng tiếp nhận các loại thức ăn và mùi vị khác nhau, do đó khi lớn trẻ sẽ không kén ăn, ăn được nhiều loại thức ăn hơn.

              13. Không nên quá nghiêm khắc với bé

Lúc vào bữa ăn, không phải lúc nào cũng phải đặt bé vào ghế ăn, khăn yếm. Thay vào đó, mẹ có thể để bé ngồi thoải mái nơi bé thích, để bé tự xúc cùng mẹ dù còn vụng về, dần dần bé sẽ học nhanh hơn và trở nên khéo léo hơn.

               14. Không cho thuốc vào thức ăn

Nhiều phụ huynh có thói quen cho thuốc vào thức ăn như sữa, nước trái cay, canh… khi bé không chịu uống. Điều này là không tốt bởi có thể làm biến đổi thành phần của thuốc đồng thời tạo cho bé cảm giác sợ hãi và luôn cảnh giác với thức ăn.

                15. Không máy móc đối với các bữa ăn của trẻ

Không quan trọng là phải cho bé ăn ngày đủ 3 hay 4 bữa mà phụ huynh nên lưu ý rằng: tổng số lượng thức ăn trong ngày quan trọng hơn lượng thức ăn mỗi bữa, bé ăn đều đặn tốt hơn là ăn ít hay nhiều, và quan trọng nhất là đảm bảo các chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bé.

Cho phép con của bạn ngừng ăn khi trẻ cảm thấy no, ngay cả khi bạn cảm thấy con ăn không đủ. Buộc trẻ phải ăn khi không còn đói có thể dẫn đến thói quen ăn quá nhiều không tốt cho sức khỏe.

Để giúp con trẻ hiểu được dấu hiệu đã ăn đủ, bạn có thể hỏi con tại bữa ăn như: "Bụng của con đã đầy chưa?" hoặc "Dạ dày của con còn gầm gừ nữa không?

                16. Cho trẻ cùng vào bếp 

Khi lớn lên một chút trẻ sẽ rất thích được khám phá và bạn sẽ thấy bất ngờ về việc trẻ cùng được ba mẹ cho tham gia nấu ăn thì các bé sẽ thích như thế nào đâu. Trẻ sẽ được thoải mái trải nghiệm cảm giác để làm ra các món ăn mình thích, điều đó sẽ kích thích tế bào thần kinh của trẻ hoạt động tốt hơn. Ngoài ra điều này còn giúp trẻ hình thành thói quen độc lập từ nhỏ, và rèn luyện thói quen thích thú làm việc sẽ giúp trẻ nhanh nhạy và thông minh hơn, trẻ sẽ được nếm đủ các mùi vị và sẽ tăng cảm giác thích thú với các món ăn hơn. 

                 17. Dạy trẻ yêu thiên nhiên và lòng biết ơn

Gần gũi với thiên nhiên là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng cường khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ. Không những thế, thiên nhiên còn giúp trẻ có cảm nhận tinh tế, dễ rung cảm với cái đẹp và tình yêu thương góp phần hoàn thiện nhân cách khi trưởng thành. Cách tốt nhất để khơi gợi tình yêu thiên nhiên là dạy trẻ trồng cây. Thông qua đó, trẻ được tiếp xúc với đất, cỏ cây, hoa lá… kích thích trí tò mò của trẻ. Qua việc chăm sóc cây và nhìn chúng lớn lên từng ngày, các bé sẽ dần yêu thiên nhiên và quý trọng vẻ đẹp của cây cối. 

Đồng thời việc vày sẽ giúp trẻ sống tình cảm hơn, và cảm nhận ý nghĩa mỗi việc làm của mình. Dạy trẻ biết ơn, vì để có những bữa ăn ngon thì người nông dân phải lao động vất vả như thế nào. 

Giúp trẻ vận động một cách lành mạnh, trẻ sẽ có lý do để xa cách Tivi, Ipad và những thiết bị điện tử khác. Dùng thời gian đó để tận hưởng thiên nhiên diệu kỳ, kích thích các giác quan phát triển, giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Và khi trẻ vận động nhiều thì sẽ làm cho trẻ hao tốn nhiều calo và nhanh cảm thấy đói bụng, điều này khiến trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn với mỗi bữa ăn. 

Hân's Farm hy vọng với bài viết này sẽ giúp các phụ huynh có thể có phương pháp đúng đắn để tập thói quen tốt cho các bé ngay từ khi các bé còn nhỏ nhé.

Theo Hân's Farm TH ST

Đang xem: Tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ bé

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng